Powered by RND
PodcastsTạp chí Việt Nam
Listen to Tạp chí Việt Nam in the App
Listen to Tạp chí Việt Nam in the App
(3,100)(247,963)
Save favourites
Alarm
Sleep timer

Tạp chí Việt Nam

Podcast Tạp chí Việt Nam
Những vấn đề, sự kiện đang được dư luận quan tâm ở Việt Nam

Available Episodes

5 of 24
  • Biển Đông: Quan hệ Việt-Trung hữu hảo, Bắc Kinh giảm bớt áp lực với Hà Nội
    Việt Nam và Trung Quốc vừa đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/1/1950-18/1/2025). Trong những ngày cuối năm ngoái, quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc có vẻ ngày càng hữu hảo. Từ 23 đến 26/12/2024, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), Hải quân Việt Nam và Chiến khu Nam Bộ của Quân đội Trung Quốc đã tổ chức Phiên họp thường niên lần thứ 17 về tuần tra liên hợp trên vùng biển vịnh Bắc Bộ. Trong thời gian đó, theo báo chính thức của Việt Nam, ngày 24/12, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Hải cảnh Trung Quốc đã tổ chức chuyến tuần tra chung lần thứ 4 năm 2024 trên khu vực biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, nhằm "tăng cường phối hợp trong việc chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên biển, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm". Tiếp đến, hai chiến hạm của Hải quân Trung Quốc đã cập cảng Tiên Sa ngày 28/12/2024, bắt đầu chuyến thăm thông thường (neo đậu kỹ thuật) tại thành phố Đà Nẵng đến 31/12.Nhưng đáng chú ý hơn cả là vào đầu tháng 12, Trung Quốc và Việt Nam đã mở “đối thoại chiến lược 3+3” đầu tiên, một cơ chế chưa từng có trong ngoại giao của cả hai nước. Đối thoại song phương về quốc phòng, ngoại giao và an ninh công cộng đã được tổ chức ở cấp thứ trưởng ngay trước cuộc họp lần thứ 16 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc-Việt Nam.Theo nhận định của hai nhà nghiên cứu Ấn Độ Rahul Mishra và Harshit Prajapati trên trang Asia Times ngày 31/12/2024, cuộc đối thoại mới này "thể hiện mối lo ngại của hai nước láng giềng, vốn đang vướng sâu vào các tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong bối cảnh địa chiến lược toàn cầu ngày càng thay đổi".Hà Nội đang lo ngại cuộc chiến thuế quan của Trump có thể chuyển trọng tâm từ Trung Quốc sang Việt Nam, bị nghi là  điểm trung chuyển cho những hàng hóa thực sự do Trung Quốc sản xuất. Đồng thời Việt Nam cảnh giác với thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Về phần mình, Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chặn các tranh chấp ở Biển Đông vượt khỏi tầm kiểm soát của mình và đang hướng tới mục tiêu vô hiệu hóa trước khả năng Hoa Kỳ khai thác tình hình. Cũng theo hai tác giả nói trên, trái ngược với nhận định rằng đối thoại 3+3 cho thấy Việt Nam liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc, những nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm coi cơ chế này là phản ứng thực dụng của Hà Nội đối với các lợi ích chồng chéo hơn là sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer đã mô tả chính xác đây là "kết quả tự nhiên", chứ không phải là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang dịch chuyển vào quỹ đạo của Trung Quốc. Đối thoại 3+3 rõ ràng nhằm mục đích ổn định quan hệ song phương,Đây cũng là ý kiến của tiến sĩ Vũ Xuân Khang, hiện là học giả thỉnh giảng (visiting scholar) về quan hệ quốc tế tại đại học Boston College, Hoa Kỳ, khi trả lời phỏng vấn RFI ngày 17/01/2025:"Cuộc họp theo hình thức 3+3 bao gồm đại diện từ bộ Ngoại Giao, bộ Quốc Phòng và bộ Công An. Lần đầu tiên hai nước Việt Nam Trung Quốc thực hiện đối thoại theo hình thức này. Đây là một chỉ dấu rõ ràng là hai nước vẫn coi nhau là đối tác ngoại giao ưu tiên. Đối thoại 3+3 cũng cho thấy cam kết giữa hai bên về hợp tác duy trì ổn định khu vực để tránh đối đầu quân sự, cũng như cam kết bảo vệ chế độ Cộng sản ở mỗi nước. Phải nói rõ là nếu có thay đổi chế độ ở Việt Nam hay Trung Quốc thì khả năng xung đột quân sự đều sẽ tăng cao. Việt Nam, Trung Quốc giữ được hòa bình khi hai nước giữ được ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Khi quan hệ ngoại giao Việt-Trung nồng ấm, sức ép của Trung Quốc trên Biển Đông đối với Việt Nam sẽ dịu xuống và ngược lại, khi quan hệ hai nước xấu đi, Trung Quốc sẽ ra tăng sức ép lên Việt Nam ở Biển Đông." Ví dụ, vào ngày 02/10 năm ngoái, Việt Nam đã phản đối vụ Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/09, khiến họ bị thương nặng. Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã mạnh mẽ cáo buộc lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc cướp bóc sản lượng đánh bắt và thiết bị của ngư dân Việt Nam. Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc đó, khẳng định  ngư dân Việt Nam đã "xâm nhập trái phép"  vào vùng biển của Trung Quốc và họ đã có phản ứng "chuyên nghiệp và kiềm chế" và không gây ra thương tích. Theo hai nhà nghiên cứu Ấn Độ Rahul Mishra và Harshit Prajapati trên trang Asia Times ngày 31/12/2024, các cuộc tấn công của Trung Quốc vào ngư dân Đông Nam Á “thể hiện một hình thức cưỡng ép nhẹ nhàng, với tiềm năng leo thang hạn chế, vì hành động này "liên quan đến thành phần dân sự, chứ không phải quân sự”. Các hành động của Trung Quốc chống lại các tàu cá Việt Nam phản ánh nỗ lực gây sức ép buộc Việt Nam duy trì chính sách đối ngoại trung lập, đồng thời nhằm mục đích gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhưng không tác động trực tiếp đến các tranh chấp rộng lớn hơn. Trong một bài viết đăng ngày 02/01/2025 trên trang mạng Fulcrum, chuyên phân tích về tình hình Đông Nam Á, nhà nghiên cứu Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cũng dự báo qua hàng tựa: “ Biển Đông năm 2025: Còn hơn là như thế, có thể tồi tệ hơn”. Theo ông Storey, căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines về Biển Đông sẽ vẫn gia tăng vào năm 2025 và có thể tăng cao hơn nữa, đặc biệt là nếu chính quyền Marcos Jr. chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ cung cấp tàu hộ tống hải quân cho các nhiệm vụ tiếp tế cho Bãi Cỏ Mây. Những điểm có thể gây ra tranh chấp gia tăng khác giữa Philippines và Trung Quốc bao gồm Bãi Sa Bin, nơi tuần duyên Philippines sử dụng làm điểm trung chuyển cho các nhiệm vụ tiếp tế và Bãi cạn Scarborough, nơi mà hải cảnh Trung Quốc không còn cho phép ngư dân Philippines vào. Cũng theo nhà nghiên cứu Storey, một vấn đề cần theo dõi vào năm 2025 là liệu Trung Quốc có phản đối hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa hay không. Diện tích mà Việt Nam bồi đắp hiện chiếm gần một nửa diện tích mà chính Trung Quốc đã cải tạo để xây dựng thành 7 đảo nhân tạo trong giai đoạn 2013-16. Nếu xây dựng đường băng trên các thực thể đó, Việt Nam sẽ có thể triển khai sức mạnh không quân xa hơn nhiều vào Biển Đông.Ông Storey ghi nhận: "Cho đến nay, Trung Quốc vẫn giữ im lặng, ít ra là về mặt công khai, có thể là vì họ không muốn phá vỡ mối quan hệ chính trị với Việt Nam vốn đang phát triển khá thân thiện. Hoặc có thể là họ không muốn gây chiến với Việt Nam vào thời điểm đang phải tập trung đối phó với Philippines. Hoặc có thể là Việt Nam đã tránh được cơn thịnh nộ của Trung Quốc vì họ không phải là đồng minh của Hoa Kỳ. Thời gian sẽ trả lời liệu sự kiên nhẫn của Bắc Kinh với Hà Nội có kéo dài được lâu hay không".Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 17/01/2025, tiến sĩ Vũ Xuân Khang giải thích vì sao cho tới nay Trung Quốc chưa công khai phản đối Việt Nam về vấn đề này:"Đây là một trong những điểm chính trong chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam. Trung Quốc ghi nhận các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam nhằm trấn an Trung Quốc, bất chấp Hà Nội tăng cường quan hệ với Mỹ và Nga. Chính sự mềm mỏng, hòa dịu của Trung Quốc đối với Việt Nam về việc bồi đắp đảo trên Biển Đông là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc cũng không muốn đi tìm một xung đột, hay không muốn đẩy Việt Nam vào phe của Mỹ hay các đồng minh của Mỹ.Đây chính là một sự đáp lễ cho chính sách ngoại giao trung lập của Việt Nam. Trung Quốc cũng mong muốn giữ cho biên giới phía Nam của họ ổn định, nên cũng muốn quan hệ Việt-Trung được hòa hiếu và ổn định như hiện nay. Việc Trung Quốc đối xử với Philippines một cách cứng rắn trong khi với Việt Nam một cách mềm dẻo cũng là cách rất hiệu quả để Việt Nam thấy rằng nếu Việt Nam không thân Mỹ như Philippines, thì Trung Quốc sẽ không bắt nạt Việt Nam như với Philippines.Rõ ràng, từ góc nhìn của Việt Nam, nâng cấp quan hệ quốc phòng với Mỹ chưa chắc đã đủ để bảo vệ Việt Nam khỏi Trung Quốc, nhưng nếu giữ cho quan hệ với Trung Quốc hòa hảo, thì Việt Nam có thể tăng cường bồi đắp đảo mà không quá lo về việc Trung Quốc trả đũa.Vào cuối năm 2024, đã có những chỉ dấu là Trung Quốc lo ngại Việt Nam có thể cho Mỹ hay Nhật Bản sử dụng các đảo ở biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc khi cần và các đảo bồi đắp của Việt Nam có thể giúp Hà Nội "bành trướng" trên biển. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quan điểm của các học giả Trung Quốc, chứ vẫn chưa có phát ngôn chính thống nào từ truyền thông nhà nước Trung Quốc. Có thể Trung Quốc muốn đánh tiếng cho Việt Nam một cách tế nhị là việc họ im lặng trước các hành động bồi đắp của Việt Nam không có nghĩa là họ đồng tình. Tuy vậy, điểm mấu chốt vẫn là tình trạng tổng thể của quan hệ Việt-Trung hiện nay hữu hảo và ổn định. Chừng nào Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định Trung Quốc là ưu tiên ngoại giao cao nhất, hơn cả Mỹ và Nga, thì Trung Quốc sẽ duy trì chính sách hiện nay với Việt Nam, tức là sẽ không thúc ép Việt Nam hay gây áp lực lên Việt Nam quá lớn ở Biển Đông như là với Philippines. Chính sách Việt Nam của Trung Quốc rất nhất quán: Trung Quốc muốn cho Việt Nam thấy rằng Việt Nam đi với Mỹ thì chưa chắc bảo vệ được chủ quyền ở Biển Đông, nhưng nếu Việt Nam hữu hảo với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ nhượng bộ Việt Nam ở Việt Nam, khác trường hợp giữa Trung Quốc với Philippines."
    --------  
  • Tại sao Việt Nam không phản hồi lời mời trở thành "quốc gia đối tác" của BRICS ?
    Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia là bốn nước ASEAN được mời tham gia thượng đỉnh BRICS tại Nga. Indonesia chính thức gia nhập BRICS với tư cách thành viên đầy đủ, theo thông báo ngày 06/01/2025 của Brazil - nước chủ tịch luân phiên 2025. Thái Lan và Malaysia « chính thức có tư cách quốc gia đối tác BRICS » từ ngày 01/01. Riêng Việt Nam không có tên trong danh sách 9 nước (*) phản hồi lời mời của BRICS, được Nga công bố ngày 23/12/2024. Được thành lập năm 2009, BRICS hiện có 10 thành viên, trong đó có bốn sáng lập viên là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Phát biểu tại thượng đỉnh BRICS mở rộng ngày 24/10/2024 tại Kazan, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh « Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng BRICS và cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa ý tưởng cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn ».Tuy nhiên, đến ngày 31/10, khi được hỏi về lời mời Việt Nam tham gia với tư cách là quốc gia đối tác, mở đường cho việc trở thành thành viên chính thức, phó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt, cho biết là « Việt Nam sẽ nghiên cứu những thông tin về cơ chế của BRICS. Việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực và quốc tế luôn được nghiên cứu và xem xét trên cơ sở phù hợp với lợi ích, điều kiện và khả năng của Việt Nam ».BRICS : Câu lạc bộ chưa hoàn thiện cơ cấuĐến cuối năm 2024, Việt Nam đã không phản hồi lời mời theo thời hạn. Thông qua phát biểu của phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải, ngành Chính sách đối ngoại & An ninh toàn cầu, Đại học Hoa Kỳ (American University), Washington D.C., nhận định với RFI Tiếng Việt ngày 09/01 là có hai yếu tố có thể giải thích cho việc Việt Nam không phản hồi lời mời trở thành quốc gia đối tác của BRICS : « Bản thân quy chế, mục tiêu, đối tác, đối tượng, mục đích hình thành nhóm và hoạt động của BRICS ; Vì lợi ích của Việt Nam ».« Yếu tố thứ nhất về phía BRICS, chúng ta thấy BRICS vẫn chỉ là hoạt động với danh nghĩa như là một nhóm, một câu lạc bộ. Chúng ta không phủ nhận là cái nhóm, câu lạc bộ này đang trên đường tiến tới hoàn thiện thành một cơ chế đa phương chính thống hơn. Nhưng khi nào trở thành một cơ chế chính thống, một cơ chế đa phương thực sự thì chúng ta chưa rõ.Thứ hai, những phát ngôn, chủ trương và nỗ lực hoạt động của những thành viên chủ chốt của nhóm này như Trung Quốc và Nga là thúc đẩy hoạt động của BRICS theo hướng chống lại Mỹ và phương Tây. Trên thực tế, đây là hai nước đang có đối đầu với Mỹ và phương Tây. Với một nhóm có chủ trương như vậy, việc Việt Nam tham gia là trái với chính sách đối ngoại tổng thể của Việt Nam - tôi nhấn mạnh là « chính sách tổng thể đối ngoại » của Việt Nam, đó là chưa xét đến vấn đề lợi ích.Việt Nam không để bị cuốn vào mục đích của Nga, Trung Quốc trong BRICSNgoài ra thì chúng ta thấy BRICS vẫn chỉ là một câu lạc bộ, đến để hô hào là chính và chỉ để phục vụ danh nghĩa và uy tín của một số nước lớn. Còn về hoạt động thực chất, cơ chế để bảo đảm hoạt động đem lại lợi ích kinh tế thực chất thì chưa có gì nhiều cả, ngoài “Ngân hàng Phát triển mới”. Kể từ khi BRICS chính thức ra đời năm 2009, tức là cách đây 15 năm, tại sao Trung Quốc và Nga lại không thúc đẩy để đưa nhóm này hoạt động như một tổ chức, chứ không chỉ thuần túy là một câu lạc bộ ? Nếu nhìn vào cả quá trình hoạt động của BRICS từ năm 2009 cho đến nay, có thể thấy nhóm này chủ trương nâng tầm và mở rộng thành viên trong mấy năm trở lại đây (đặc biệt là từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina và quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng) khi có xung đột và đối đầu với Mỹ và phương Tây. Còn ở thời điểm quan hệ hai bên Nga-Mỹ, Trung Quốc-Mỹ ở trạng thái “cơm lành, canh ngọt”, BRICS đâu có rùm beng như hiện nay. Do vậy cũng cần phải xem xét động cơ của Nga và Trung Quốc, là hai nước lớn. Đặc biệt tôi đề cập ở đây đến Nga và Trung Quốc, họ không mất gì cả khi lợi ích của BRICS có tồn tại hay không và thực tế thì họ chỉ có lợi. Dù BRICS có trực tiếp đối đầu hay là không đối đầu với Mỹ, với phương Tây thì họ vẫn có lợi. Tất nhiên bản thân Nga và Trung Quốc đều nhận thấy quan hệ hữu hảo với Mỹ và phương Tây thì vẫn có lợi hơn cho họ. Chúng ta thử nhìn vào quá trình trỗi dậy của Trung Quốc, sự phục hồi lại của Nga, sự giàu lên của hai nước này và vị thế của họ có được như ngày nay là nhờ đâu ? Rõ ràng là nhờ Mỹ và phương Tây. Và yếu tố cuối cùng, đó là nhìn rộng và xa hơn chiến lược toàn cầu của Nga và Trung Quốc thì BRICS sẽ chỉ là một cơ chế phục vụ lợi ích của họ. Chúng ta biết người Nga hiểu rõ là Mỹ và phương Tây chẳng bao giờ thích gì họ. Điều này xuất phát từ lợi ích, từ vấn đề lịch sử phát triển và mở rộng lãnh thổ của Nga. Ông Putin, khi lên cầm quyền từ năm 1999, hiểu rõ nước Nga như thế nào trong quan hệ với phương Tây, với Mỹ. Đã có những lúc ông phải nhún nhường để hưởng lợi trong quan hệ giữa Mỹ và phương Tây. Nhưng khi đã cảm thấy đủ lực thì chúng ta thấy mối quan hệ giữa Nga-Mỹ và phương Tây đã như thế nào và như hiện nay.Còn Trung Quốc, với những sáng kiến toàn cầu của ông Tập Cận Bình đưa ra, cũng đã thể hiện rõ tham vọng của Trung Quốc. Trong khi đó bản thân quan hệ giữa các thành viên trong BRICS hiện nay với nhau cũng rất phức tạp, lợi ích phụ thuộc lẫn nhau. Đó là những vấn đề từ khía cạnh của BRICS ».BRICS không đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam hiện nayYếu tố thứ hai được nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh : đó chính là lợi ích của Việt Nam.« Khi BRICS chưa hình thành các cơ chế và định chế chính thống để hoạt động của nhóm ổn định, thực chất và để nhóm này không hoạt động theo hướng tạo cực để đối đầu thì tôi thấy việc tham gia vào nhóm này không đem lại lợi ích gì về kinh tế cho Việt Nam. Trong khi đó, quan hệ kinh tế của Việt Nam với từng nước thành viên chủ chốt của nhóm này (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và các nước khác) vẫn đang diễn ra tốt. Đó là chưa kể một số thành viên, đối tác của nhóm này lại tham gia những cơ chế đa phương khác mà Việt Nam cũng tham gia. Nói về lợi ích kinh tế chúng ta cũng đừng nhìn vào con số tổng hợp GDP của toàn khối hay là dân số của toàn khối BRICS bởi vì càng nhiều thành viên, càng nhiều nước tham gia thì con số tổng hợp phải tăng. Thế nhưng lợi ích thực chất là gì thì lại là một câu chuyện khác, phải đi tìm hiểu. Và trong quan hệ quốc tế, phải là như vậy. Vấn đề thứ hai, đó là Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 dựa vào công nghệ vượt trội. Và coi đó như là một cách để tránh bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam đang nói là phải phát triển công nghệ bán dẫn, công nghệ AI, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Vậy thì công nghệ này ở đâu ra ? Nga và Trung Quốc có công nghệ mà Việt Nam cần không ? Và nếu có, liệu họ có chuyển giao hay hỗ trợ Việt Nam không ? Rõ ràng đây là bài toán về lợi ích mà Việt Nam cần phải tính toán khi tham gia một nhóm, câu lạc bộ với những thành viên đang đẩy mạnh vấn đề đối đầu với Mỹ.Điểm thứ ba trong vấn đề về lợi ích của Việt Nam, đó là vị trí địa-chiến lược của Việt Nam. Đây vừa là mặt lợi nhưng cũng có thể là mặt bất lợi nếu như Việt Nam không xử lý khéo trong quan hệ quốc tế. Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và lại ngay sát Trung Quốc trong khi sự cạnh tranh giữa các nước lớn - giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Mỹ và Nga - ngày càng gia tăng. Do đó nếu như Việt Nam không xử lý khéo thì dễ bị lợi dụng và cuốn vào cuộc cạnh tranh lợi ích của các nước, khi đó Việt Nam lại có thể trở thành một chiến địa của những lợi ích xung đột như đã từng xảy ra trong thế kỷ 20. Rõ ràng đây là bài học lịch sử và xương máu, nó đòi hỏi Việt Nam phải khôn khéo và tỉnh táo không thể bị vội vàng cuốn theo xu hướng hình thành nhóm, câu lạc bộ hoặc là mối liên kết nào đó. Đối với một quốc gia, dân tộc thì tầm nhìn chiến lược về lợi ích phải là trăm năm, chứ không thể chỉ xác định một hoặc hai thập kỷ được ».Việt Nam chờ thêm bốn năm trong nhiệm kỳ tổng thống Trump ?Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng ngày 20/01/2025 với những chính sách thương mại, đối ngoại được cho là sẽ cứng rắn hơn và khó đoán. Liệu trong 4 năm nhiệm kỳ của ông, Việt Nam sẽ có cân nhắc đến việc trở thành quốc gia đối tác của BRICS ? Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải giải thích :« Nói một cách thẳng thắn, vấn đề việc tham gia vào BRICS vẫn nằm trên bàn và để ngỏ. Tôi không nghĩ rằng Việt Nam cũng không dại gì mà nói « không » và cũng không dại gì vội vàng tham gia tại thời điểm này. Và nếu nói một cách sách vở và lý thuyết, việc Việt Nam có trở thành đối tác của BRICS hay không, điều này không phụ thuộc vào tổng thống Mỹ là ai, cho dù là Cộng Hòa hay là Dân Chủ. Trên thực tế, Mỹ cũng sẽ hiểu vị thế của Việt Nam là như thế nào, lập trường của Việt Nam là ra sao. Đương nhiên về phía Việt Nam, Việt Nam phải cân nhắc và điều này phải phụ thuộc vào mối quan hệ của Mỹ với cả các nước thành viên của BRICS, giữa quan hệ Mỹ-Trung, quan hệ Mỹ-Nga. Như chúng ta đã nghe thấy ông Trump từng đe dọa rất công khai và mạnh mẽ rằng nếu như các nước BRICS muốn thoát ly đô la thì ông ấy sẽ áp đặt thuế 100%. Tức là các nước của BRICS sẽ phải quên Mỹ đi, không làm ăn gì với Mỹ nữa. Nếu trong bối cảnh đó, nó sẽ rất là phụ thuộc vào các thành viên chủ chốt của BRICS sẽ thúc đẩy BRICS đi đến đâu và đối đầu với Mỹ đi đâu. Vào thời điểm đó, đương nhiên Việt Nam sẽ phải theo dõi chặt chẽ sự phát triển mối quan hệ của BRICS với Mỹ và ngược lại, sẽ phải theo dõi chặt chẽ mối quan hệ đối ngoại giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ và Nga trong thời gian tới. Tôi nghĩ rằng câu trả lời sẽ phải phụ thuộc vào trong 6 tháng tới, xem chính quyền của ông Trump sẽ giải quyết các cuộc xung đột Nga và Ukraina như thế nào, rồi vấn đề áp đặt thuế, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến triển đến đâu. Tôi nghĩ điều đó sẽ giúp Việt Nam có câu trả lời rõ ràng hơn trong việc quyết định có đẩy mạnh việc tham gia làm đối tác với BRICS hay không ».Chuyến công du Nga và dự thượng đỉnh BRICS tại Kazan của thử tướng Phạm Minh Chính được tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải đánh giá là « phù hợp với hoạt động chính sách đối ngoại của Việt Nam », « không thể hiện thân Nga », nước đang gây chiến ở Ukraina vì thủ tướng Việt Nam tham dự « một hoạt động đa phương và có rất nhiều các nguyên thủ quốc gia khác ».« Trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, Việt Nam đã nói rõ lập trường và thể hiện lập trường đó như thế nào. Việt Nam đón ông Putin sang tháng 07/2024 nhưng sang tháng 09, khi tổng bí thư-chủ tịch nước Tô Lâm của Việt Nam đi New York dự hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc, ông ấy cũng đã có cuộc tiếp xúc và làm việc với tổng thống Ukraina. Rõ ràng là Việt Nam thể hiện lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào. Và không có nghĩa là chuyến đi của ông Chính thể hiện Việt Nam đứng về phía Nga trong cuộc chiến đó. Tôi nghĩ rằng cho đến nay, Mỹ vào các nước phương Tây đều đã hiểu rõ lập trường của Việt Nam. Tất nhiên, Mỹ và phương Tây mong muốn Việt Nam thể hiện rõ ràng hơn là sẽ phản đối Nga hay là ủng hộ Ukraina. Thế nhưng tôi không nghĩ rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ thể hiện một cách rõ ràng là Việt Nam sẽ đứng về phe nào và Việt Nam cũng đã nói rõ là không chọn phe trong cuộc chiến này ».****(*) Gồm Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan.
    --------  
  • Kinh tế Việt Nam trong tầm ngắm của chính quyền Trump 2.0?
    Việt Nam đã là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ ​​cuộc chiến thương mại của Donald Trump với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông. Nhưng theo nhật báo Anh Financial Times 18/11/2024, các tổ chức doanh nghiệp và nhà phân tích đã cảnh báo Hà Nội có thể trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất nếu tổng thống đắc cử thực hiện lời đe dọa về thuế quan khi ông trở lại Nhà Trắng. Nhưng mối lo ngại này thật sự có cơ sở? Hãy còn quá sớm để có câu trả lời xác đáng. Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại lớn thứ tư với Hoa Kỳ trong những năm gần đây, chỉ sau Trung Quốc, Mêhicô và Liên Hiệp Châu Âu, do nhiều nhà sản xuất đã chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc để tránh tác động của thuế quan mà Trump áp đặt. Nhưng theo Finnacial Times, thành công theo kiểu "Trung Quốc+1" đó đã khiến Việt Nam rơi vào thế dễ bị tổn thương. Nền kinh tế của Việt Nam đã trở nên phụ thuộc rất nhiều vào Hoa Kỳ, hiện chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo dự báo, trong năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ còn tăng thêm, dự kiến sẽ đạt khoảng từ 125 đến 130 tỷ đôla.Nhưng thách đố lớn nhất đối với xuất khẩu của Việt Nam sẽ là thuế quan. Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và lên tới 20% đối với hàng hóa từ tất cả các quốc gia khác. Nhật báo Financial Times trích lời ông Marco Förster, giám đốc đặc trách ASEAN của hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates tại Sài Gòn: "Việt Nam có thể sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với hàng quá cảnh qua Việt Nam để tránh thuế quan đối với Trung Quốc". Việt Nam, mục tiêu tiếp theo của Trump?Hãng tin Anh Reuters ngày 06/12/2024 cũng đã trích dẫn các giám đốc điều hành và nhà phân tích trong ngành công nghiệp nhận định: “Việt Nam dễ trở thành mục tiêu tiếp theo của chính quyền Trump về thuế quan do thặng dư thương mại của nước này với Hoa Kỳ đang tăng vọt”. Dữ liệu thương mại của Hoa Kỳ được công bố ngày 05/12 cho thấy thâm hụt của nước này với Việt Nam đã đạt 102 tỷ đô la trong mười tháng đầu năm 2024, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2023. Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich, trụ sở tại Châu Á, cho biết: "Đối với Trump, thước đo chính là thâm hụt thương mại và con số của Việt Nam là rất tệ. Việt Nam là ứng viên lý tưởng cho (Trump) hành động sớm, bởi vì nước này không thể dễ dàng trả đũa".Cũng theo Reuters, tại một hội nghị do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức ở Hà Nội, nhiều doanh nhân và đại diện hiệp hội thương mại đã bày tỏ lo ngại về khả năng Mỹ áp thuế đối với Việt Nam. Một dấu hiệu khác cho thấy Việt Nam có thể phải đối mặt với thuế quan mới của Mỹ, đó là Trump đã chọn ông Peter Navarro làm cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất. Trong các đề xuất của Dự án 2025, một tài liệu được nhiều nhà hoạch định chính sách ở Washington coi là kế hoạch hành động của chính quyền Trump 2.0, Navarro đã nói rằng áp thuế quan đối với Việt Nam sẽ rất hiệu quả trong việc cắt giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.Hãng tin Reuters trích lời ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về các chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam, nhắc lại: " Dưới thời chính quyền Trump, Navarro là một chuyên gia nổi tiếng chủ trương tăng quy mô ngành sản xuất của Mỹ, áp thuế quan cao và đưa về nước chuỗi cung ứng toàn cầu". Xuất khẩu thành phẩm thì không sợ?Thật ra hãy còn quá sớm để dự đoán mức thuế quan mà tân tổng thống Trump sẽ áp đặt đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Hơn nữa, một số mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ dưới dạng thành phẩm (finished products) có thể sẽ không bị áp thuế quan mới. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 03/01/2025, ông Francesco Trần Văn Liêng, Chủ tịch kiêm sáng lập viên Công ty cổ phần Ca cao Việt Nam VINACACAO, ghi nhận: "Hiện nay đúng là có một sự lo ngại, nhưng chúng ta chưa biết chắc là Hoa Kỳ sẽ tăng bao nhiêu thuế: Hoa Kỳ tăng thuế theo kiểu chiến tranh mậu dịch hay tăng thuế theo kiểu ngăn cản hàng hóa trao đổi giữa hai quốc gia, hoặc như ông Trump nói, muốn đem job (việc làm) ở hải ngoại về Mỹ? Tuy nhiên, thứ nhất, tôi thấy đầu tư của Mỹ ở Việt Nam không nhiều, thứ hai là thuế quan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những mặt hàng là nguyên liệu sản xuất, ví dụ như sắt thép. Hoặc là nếu theo sự điều tra của Mỹ mà thấy rằng Trung Quốc đưa hàng sang Việt Nam nhằm lấy lại chứng thư xuất xứ (Certificate of Origin - C/O) để xuất khẩu qua Mỹ với tư cách hàng Việt Nam, thì rõ ràng là chính phủ Mỹ sẽ nhắm vào những hàng hóa đó.Nếu như hàng Trung Quốc bị tăng thuế cho nên phải đưa sang Việt Nam để thay đổi nguồn gốc, thì ở Việt Nam cũng có luật về xuất xứ, có nghĩa là hàm lượng chế biến từ Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm thì mới được coi là xuất xứ từ Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ là còn nhiều ẩn số mà câu trả lời chưa xác đáng.Nhưng đối với những mặt hàng chế biến đã là thành phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ thì có thể là không sợ bị áp thuế, do giá tốt, hoặc là do mình chỉ bán cho cộng đồng người Việt, hoặc do đó là những mặt hàng mà doanh nghiệp Mỹ không sản xuất được. Bằng chứng là nhiều hãng cà phê của Việt Nam đã có mặt ở Hoa Kỳ. Tóm lại, tùy theo mặt hàng mà việc tăng thuế có tác động gây phương hại nhiều hay ít.Chính vì vậy là những doanh nghiệp như VINACACAO hiện giờ cảm thấy an tâm theo lời ông Francesco Trần Văn Liêng: "Chúng tôi bán thành phẩm, tức là tới tay người tiêu dùng không phải là dưới dạng nguyên liệu, cho nên giá cả của chúng tôi cũng là giá cả ở mức độ phổ quát và dư địa cạnh tranh của chúng tôi còn nhiều đối với các mặt hàng ngoại quốc hay đối với ngay cả các mặt hàng nội địa của Hoa Kỳ. Ví dụ hàng của VINACACAO bán trên Amazon. Amazon là một nền tảng phổ quát, cho nên có thể chúng tôi phải lo ngại, nhưng cho đến bây giờ thì số liệu cụ thể chưa có và cũng có thể là không tăng thuế. Tôi nghĩ là thuế quan hiện nay không trực tiếp vào giá thành riêng đối với mặt hàng thành phẩm. Còn các mặt hàng nguyên liệu thì sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ cần 2, 3 hay 5% tăng thuế thì cũng đủ làm cho giá cả của mặt hàng nguyên liệu này mất tính cạnh tranh. Cho nên VINACACAO cảm thấy tương đối an tâm, vì hàng của  mình là thành phẩm" Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Hùng, với gần một phần ba lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là sang Hoa Kỳ, Hà Nội sẽ cần cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa và linh kiện để xua tan lo ngại về khả năng Việt Nam chỉ được sử dụng làm nơi lắp ráp cho các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Về điểm này, ông Francesco Trần Văn Liêng ghi nhận:" Việt Nam có luật về xuất xứ, có nghĩa là hàm lượng sản xuất tại Việt Nam phải chiếm X,Y,Z% thì mới được cấp Certificate of Origin - C/O. Luật này đã được thi hành từ vài chục năm rồi, thành ra việc đội lốt hàng nước ngoài để lấy origin Việt Nam thì tôi nghĩ là rất khó chứ không phải dễ. Nếu chuyện đó xảy ra thì cũng dễ tìm ra nguồn gốc thôi. Ví dụ như anh đem một tấn thép từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi xuất khẩu thì quá lộ liễu, nhưng nếu anh dùng thép đó để sản xuất ra một cái thau, một cái muỗng, một cái chén.Hiện nay Mêhicô cũng làm như vậy. Kim ngạch xuất khẩu của Mêhicô sang Mỹ bình thường là 45 tỷ/năm tự nhiên tăng vọt lên đến gần 450 tỷ đôla. Dọc theo biên giới Mỹ có khá nhiều khu công nghiệp. Tại đây, Trung Quốc nay chế biến ra thành phẩm chứ không còn đưa vào Mêhicô nguyên liệu để xuất khẩu sang Mỹ."Việt Nam có thể bù đắp một phần thặng dư thương mại lớn của mình bằng cách tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, bao gồm cả khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), dược phẩm và máy bay. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu chính quyền Việt Nam có ủng hộ các biện pháp đó hay không và các biện pháp đó có thể có tầm mức như thế nào. Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich , nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ Việt Nam có thể mua nhanh và đủ để giảm đáng kể thặng dư của mình.”Financial Times trích lời ông Peter Mumford, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Eurasia Group: "Thách thức lớn hơn là nền kinh tế tương đối nhỏ của Việt Nam chỉ có thể tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Về mặt FDI, Hà Nội có thể thúc đẩy đầu tư khiêm tốn vào Hoa Kỳ, nhưng điều này sẽ không làm giảm bớt mối quan ngại về thương mại của Washington". Nhà đầu tư nước ngoài quan ngạiCác doanh nghiệp ngoại quốc tại Việt Nam cũng đang chờ xem chính sách thuế quan của Trump đối với Việt Nam sẽ như thế nào. Theo Financial Times, ông Hong Sun, chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết: "Một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam lo ngại về khả năng áp thuế từ chính quyền Trump mới". Hàn Quốc từ lâu đã là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Việt Nam. Riêng tập đoàn điện tử Samsung là nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia này. Nếu Washington áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam, các công ty Hàn Quốc có thể trì hoãn hoặc giảm đầu tư và sản xuất tại quốc gia này. Tương tự như các nhà đầu tư Hàn Quốc, các nhà cung cấp công nghệ Đài Loan đã xây dựng năng lực sản xuất tại Việt Nam như một phần trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng họ cũng đang buộc phải tính đến việc chuyển sang phương án "Việt Nam + 1" trước khi ông Donald Trump trở lại làm tổng thống Hoa Kỳ. Tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia, trích lời ông James Huang, chủ tịch Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA), tại cuộc họp báo cuối năm của Hội đồng: "Tôi đã nói chuyện với nhiều giám đốc điều hành của các công ty lớn sau cuộc bầu cử Mỹ và họ nói với tôi rằng sau các yêu cầu 'Trung Quốc + 1' và 'Đài Loan + 1' trong nhiều năm qua, giờ đây họ được yêu cầu chuẩn bị cho kịch bản 'Việt Nam + 1' dưới thời Trump 2.0".Phương án "Trung Quốc + 1" và "Đài Loan + 1" có nghĩa là các nhà cung cấp xây dựng năng lực sản xuất bên ngoài hai trung tâm này để giảm thiểu rủi ro địa chính trị phát sinh từ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như căng thẳng ở vùng eo biển Đài Loan. Nhưng theo dự báo của ông James Huang, chính sách thương mại của Mỹ “sẽ thay đổi khi Trump trở lại Nhà Trắng, đặc biệt là khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đang tăng lên". Cho nên rất có thể các nhà đầu tư Đài Loan sẽ phải chuyển một phần cơ sở sản xuất từ Việt Nam sang một nước khác.
    --------  
  • 2024 : Năm đổi mới thượng tầng lãnh đạo và chiến lược quân sự Việt Nam
    Năm 2024 là một năm thành công về kinh tế và tăng trưởng cho Việt Nam, tăng trưởng GDP được ngân hàng HSBC dự báo 7%. Việt Nam muốn trở thành miền đất hứa cho các đại tập đoàn công nghệ. Tuy nhiên, những xáo trộn trên thượng tầng lãnh đạo, cùng với những đại án tham nhũng cũng gây không ít quan ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài, dù Hà Nội luôn khẳng định về sự ổn định chính trị và nghiêm trị tham nhũng, được coi là “có hệ thống” ở Việt Nam. RFI Tiếng Việt điểm lại một số sự kiện quan trọng trong năm 2024 tại Việt Nam với phần nhận định của một số chuyên gia khách mời.Một chủ tịch nước từ chức, một tổng bí thư qua đời và một nhân vật quyền lực mớiNgày 20/03/2024, ông Võ Văn Thưởng là chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam phải từ chức trong vòng hơn một năm. Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM), khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 21/03, nhận định : “(…) Nếu kể cả người được ông Trọng bảo vệ cũng “ngã ngựa”, có nghĩa là ông Trọng không còn mạnh như trước, cho nên các đối thủ của ông tự cho phép đánh bật ông Võ Văn Thưởng, trong khi trước đó, đích thân ông Trọng đã can thiệp vào bộ máy Nhà nước để bảo vệ ông Võ Văn Thưởng vì một vài rắc rối liên quan đến gia đình (…)”. Đọc thêm : Việt Nam : Chủ tịch nước bị cách chức, tổng bí thư bị tiếm quyền ? Ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An lúc đó, đã làm đúng chỉ đạo của tổng bí thư Trọng không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng công cuộc “đốt lò” cũng giúp làm tăng quyền lực cá nhân của ông. Hai tháng sau, ngày 02/05, ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc Hội. Đến ngày 22/05, ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước. Theo nhiều nhà quan sát quốc tế, chiếc ghế, dù bị coi “có dớp”, chỉ là bàn đạp để ông Tô Lâm tiến đến chức vụ cao nhất - tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam do tình hình sức khỏe của ông Trọng không được tốt. Chiều 19/07, tổng bí thư Trọng qua đời tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.Và người trực tiếp “đốt lò” kiêm luôn hai chức vụ cao nhất Việt Nam : tổng bí thư - chủ tịch nước. Tính toán này đã có từ lâu, theo nhận định ngày 19/07 của chuyên gia Benoît de Tréglodé : “(…) Trước tiên phải nhớ rằng ông Tô Lâm suy ngẫm đến việc này từ nhiều năm nay. Ý thức rõ về vị trí bộ trưởng Công An của mình, ông đã chiếm được vị trí trung tâm chiến lược trong bộ máy Nhà nước. Cũng đừng quên rằng công an luôn là một yếu tố an ninh vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ chế độ từ bên trong trước những chuyển biến chung của thời đại và xã hội. Nhờ vị trí chiến lược đó mà ngay từ đầu, ông Tô Lâm đã là một ứng cử viên có tiềm năng lớn để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng (…)”.Khi tiếp tục di sản của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm có một số lợi thế, theo quan sát của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore : “(…) Bản thân người kế nhiệm cũng sẽ có những lợi ích trong việc duy trì cuộc chiến chống tham nhũng này, cụ thể là có thể tiếp tục sử dụng nó như một công cụ hiệu quả để kiểm soát nội bộ và có thể hướng tới kiểm soát các đối thủ chính trị, thông qua việc thanh trừng những người có thể gây nguy cơ đối với quyền lực của họ. Cuộc chiến chống tham nhũng này vẫn sẽ tiếp tục dưới thời lãnh đạo mới. Vấn đề đặt ra là cách thức tiến hành của họ sẽ như thế nào, quy mô, cũng như cường độ của cuộc chiến sẽ ra sao (…)”.  Đọc thêm : Chống tham nhũng thời hậu Nguyễn Phú Trọng: Sẽ vẫn "diệt chuột không để vỡ bình"Ngoài các vụ “đánh chuột nhưng không làm vỡ bình” trên thượng tầng lãnh đạo Nhà nước, như vụ “chuyến bay giải cứu” đang xét xử giai đoạn 2 và đại án Việt Á khiến 2 cựu bộ trưởng vào tù và ông Nguyễn Xuân Phúc phải từ chức chủ tịch nước trước đó, còn phải nhắc đến đại án Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB liên quan đến các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Đầu tháng 12, tòa phúc thẩm đã y án tử hình được tuyên vào tháng 04 đối với bà Trương Mỹ Lan vì biển thủ 12 tỷ đô la - số tiền tương đương khoảng 3% toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Theo trang CNN ngày 06/12, “quy mô của vụ gian lận đã làm lung lay niềm tin vào một nền kinh tế hy vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi các đối thủ cạnh tranh, như nước láng giềng Trung Quốc” do những căng thẳng thương mại có thể còn gia tăng dưới nhiệm kỳ hai của tổng thống Mỹ Donald Trump.Việt Nam nâng kỷ lục Đối tác chiến lược toàn diệnTuy nhiên, về đối ngoại, quyền lực cá nhân tân tổng bí thư không làm thay đổi “ngoại giao cây tre”. Trả lời RFI Tiếng Việt tháng 08, nghiên cứu sinh Vũ Khang, chuyên về an ninh Đông Á, Trường đại học Boston (Boston Collegue, Mỹ), đưa ra hai lý do :“(…) Thứ nhất, ngoại giao Việt Nam từ xưa đến nay, mục tiêu đầu tiên vẫn là kiềm chế và trấn an được Trung Quốc. Quan hệ Việt Nam với Trung Quốc vẫn đang ổn định nên Việt Nam không có nhu cầu để phải có những thay đổi lớn trong ngoại giao (…) Lý do thứ hai, chính sách đối ngoại của Việt Nam từ xưa đến nay vẫn do Bộ Chính Trị quyết định chứ không phải là do một cá nhân, bất kể cá nhân đấy có là tổng bí thư hay là chủ tịch nước đi chăng nữa (…) Cho nên, chừng nào các thành viên còn lại trong Bộ Chính Trị không muốn thay đổi đường lối chính sách “ngoại giao cây tre” hiện giờ thì việc thay đổi nhà lãnh đạo cấp cao nhất là tổng bí thư cũng sẽ không có tác động lớn đối với đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam (…)”. Đọc thêm : Việt Nam : Quyền lực cá nhân tân tổng bí thư không làm thay đổi “ngoại giao cây tre”Chỉ trong 6 tháng ngắn ngủi giữ chức chủ tịch nước (22/05 - 21/10/2024), ông Tô Lâm công du 8 nước (1), dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ), hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Pháp và trong chuyến công du này, ngày 07/10, hai nước đã nâng cấp quan hệ. Pháp trở thành nước thứ 8 trên thế giới (2) - sau Úc là nước thứ 7 vào đầu năm - và là quốc gia đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu thiết lập hợp tác Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Trước đó, nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với khách mời là bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu, hai nước đã nhất trí “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”.Nhìn vào lựa chọn 8 đối tác chiến lược toàn diện, có thể thấy chủ trương của Việt Nam là đa dạng hóa đối tác, đặc biệt là về quân sự, để tránh bị phụ thuộc và giữ thế cân bằng. Ngoài ra, còn có yếu tố kinh tế, theo giải thích của nhà nghiên cứu Zachary M. Abuza, Trường National College War, Mỹ, với RFI Tiếng Việt ngày 21/10 :“Nếu nhìn vào các đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam đã thiết lập, tất cả đều là các đối tác kinh tế lớn. Đây luôn là tôn chỉ của Việt Nam trong chính sách ngoại giao. Hà Nội đang nỗ lực để trở thành một nước phát triển, hoặc ít nhất là trong nhóm nước có thu nhập cao từ nay đến 2045. Do vậy, nâng cấp quan hệ với Pháp là một lựa chọn quan trọng cho Việt Nam (…). Paris có một trang sử dài với Hà Nội và Việt Nam đã đấu tranh trong nhiều năm để giành lại độc lập từ Pháp. Do vậy, tôi nghĩ rằng, về mặt biểu tượng, đó là điều quan trọng để Pháp trở thành nước châu Âu đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ này (…)”.Việt Nam đa dạng đối tác quân sự đối phó với Trung QuốcCòn nhà nghiên cứu Pháp Laurent Gédeon cho rằng Việt Nam cũng trông cậy vào ủng hộ của Pháp về lập trường đối với Biển Đông :“Điều đáng chú ý trong tuyên bố chung ngày 07/10 là việc Pháp nhắc đến việc hỗ trợ nguồn lực quân sự cho Hà Nội, đặc biệt là lực lượng cảnh sát biển. Và điều này phù hợp với mong muốn của Việt Nam trong việc tăng cường năng lực làm chủ, kiểm soát không gian biển, trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc (…) Theo tôi, Pháp quan tâm về việc liệu Việt Nam có đủ phương tiện để tự vệ, và khả năng đối phó với xâm lược quân sự nếu cần thiết. Trung Quốc cũng đang lưu ý đến điều này. Nhưng phải nhắc lại rằng Việt Nam cũng duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, trong đó có hợp tác quân sự, bất chấp những sóng gió giữa hai bên”. Đọc thêm : Nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với Pháp, chủ tịch Tô Lâm muốn thể hiện năng lực ngoại giao, ổn định chính trị Việt NamViệt Nam đã tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần thứ hai (từ 11-22/12/2024) và ký 16 hợp đồng trị giá hơn 286 triệu đô la với các đối tác nước ngoài, trong khi theo báo cáo ngày 11/03/2024 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI), Việt Nam gần như không mua sắm vũ khí trong năm 2023.Nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, Canberra, Úc, nhận định : “Hoạt động triển lãm sẽ giúp cho Việt Nam tiếp cận được các nhà thầu quốc phòng nước ngoài quan trọng, nhằm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội (…). Điểm này cũng nằm trong chính sách được tiến hành từ 5, 6 năm trở lại đây, bởi vì chiến tranh Nga-Ukraina, rồi những vấn đề về tranh chấp, xung đột khắp thế giới cho thấy một trong những điều cốt lõi nhất để có thể giúp cho Việt Nam và quân đội Việt Nam giữ vững được năng lực bảo vệ chủ quyền, đó là tự chủ, hoặc theo một số người nói là “tự chủ chiến lược”(…)”. Đọc thêm : Triển lãm Quốc phòng : Việt Nam thể hiện “khả năng răn đe”, hướng đến xuất khẩu thiết bị quân sựMở rộng đảo ở Trường Sa để bảo vệ chủ quyền nhưng tránh làm phật lòng Trung QuốcTự chủ là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong khi Trung Quốc đòi độc chiếm hầu hết Biển Đông. Việt Nam cũng áp dụng cách tiếp cận như của Trung Quốc, “mở rộng sự hiện diện quân sự thông qua các sáng kiến ​​xây dựng đảo chiến lược để củng cố yêu sách lãnh thổ trong khu vực”, theo nhận định của trang Asia Media Centre ngày 24/10. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á - AMTI, công bố ngày 07/06, dự báo năm 2024 sẽ là năm bồi đắp đảo kỷ lục của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, với diện tích đất được bồi đắp gần bằng tổng hai năm trước đó.Tuy nhiên, Trung Quốc cho tới nay vẫn im lặng về các hoạt động của Việt Nam, trái ngược với thái độ hung hăng với Philippines. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích :“Thứ nhất, Trung Quốc không phản đối bởi vì Trung Quốc mới là xây nhiều. Việt Nam chắc là không bao giờ theo kịp Trung Quốc trong việc tôn tạo các thực thể trên Biển Đông. Trung Quốc còn quân sự hóa các đảo đó, biến thành những tiền đồn. Việt Nam thì chắc là sẽ không có các tiền đồn (…). Thứ hai, có lẽ Việt Nam cũng khéo léo chọn thời điểm mà Trung Quốc cũng đang muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và Việt Nam cũng đang cố gắng giữ quan hệ với Trung Quốc ở mức tốt đẹp để phía Trung Quốc không có phản ứng nhiều trong trường hợp này”. Đọc thêm : Biển Đông: Việt Nam gia tăng bồi đắp đảo để mở rộng sự hiện diệnĐây cũng là quan điểm của giáo sư Huỳnh Tam Sang, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, được báo mạng Hồng Kông SCMP trích dẫn ngày 22/12. Việt Nam vẫn cần thể hiện với Trung Quốc về tính chất “đặc biệt” và “duy nhất” trong mối quan hệ song phương, dấu hiệu mới nhất là “nỗ lực tiên phong”, theo đánh giá của Global Times khi đưa thêm vế an ninh nội địa để biến thành đối thoại “3+3” (ngoại giao, quốc phòng, an ninh nội địa).****(1) Lào, Cam Bốt (11-13/07), Trung Quốc (18-20/08), Mỹ, Cuba (21/09-27/09), Mông Cổ, Ireland, Pháp (30/09-07/10)(2) Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ (2023), Nhật Bản (2023), Úc (2024).
    --------  
  • Triển lãm Quốc phòng : Việt Nam thể hiện “khả năng răn đe”, hướng đến xuất khẩu thiết bị quân sự
    Việt Nam chi khoảng 120 tỷ đồng, từ nguồn tài trợ và từ nguồn tài chính xã hội hóa, để tổ chức Triển lãm quốc phòng quốc tế lần thứ hai (19-22/12/2024). Đây là cơ hội để Việt Nam “chứng minh nền công nghiệp quốc phòng tự lực, tự chủ, tự cường, song vẫn sẵn sàng hợp tác với các nước có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến để học hỏi”, đặc biệt là những khách mời quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Israel, Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Việc tổ chức triển lãm quốc phòng là một thay đổi lớn trong quân đội Việt Nam, thường vẫn khá bí mật. Triển lãm quốc phòng quốc tế lần này có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với quân đội Việt Nam ? Nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, Canberra, Úc, trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt.RFI : Việt Nam tổ chức triển lãm quốc phòng lần thứ hai, từ 19-22/12/2024. Triển lãm này dường như trở thành hoạt động thông lệ hai năm một lần. Sự kiện có ý nghĩa như thế nào cho Việt Nam và bộ Quốc Phòng ? Hà Nội trông đợi gì từ các nhà cung cấp thiết bị quân sự quốc tế tham gia ? Nguyễn Thế Phương : Sự kiện này sẽ mang hai hàm ý. Thứ nhất là gửi thông điệp tới trong nước rằng Quân đội Việt Nam có đủ khả năng và đủ sức mạnh để có thể bảo vệ lợi ích và chủ quyền của Việt Nam ở trên biển cũng như trên bộ. Đây là thông điệp rõ ràng và là thông điệp quan trọng nhất mà thông qua cuộc triển lãm lần này, có thể đưa ra.Thứ hai là với nước ngoài. Ở đây có một điểm là từ trước đến nay, truyền thống Quân đội Việt Nam là khá bí mật, bí mật trong cả quá trình phát triển, trưởng thành, đặc biệt hơn là bí mật trong quá trình phát triển vũ khí. Khoảng 5 đến 10 năm trở lại đây, sau một số cuộc thảo luận nội bộ, có vẻ như đảng và quân đội nhất trí rằng, thông qua triển lãm quốc phòng, quân đội sẽ có thể giới thiệu một số năng lực cho nước ngoài biết và từ đó sẽ gia tăng khả năng tạo dựng hình ảnh, cũng như gia tăng khả năng chống chịu trước những sức ép từ bên ngoài, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “khả năng răn đe”. Đọc thêm : Nga hụt hơi xích gần với Trung Quốc buộc Việt Nam cân nhắc nâng cấp quan hệ với Mỹ ?Điểm thứ ba là hoạt động triển lãm sẽ giúp cho Việt Nam tiếp cận được các nhà thầu quốc phòng nước ngoài quan trọng, nhằm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội theo hướng tăng cường mối quan hệ giữa quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam với ngành công nghiệp quốc phòng của các quốc gia mà Việt Nam đang có mối quan hệ rất tốt. Điểm này cũng nằm trong chính sách được tiến hành từ 5, 6 năm trở lại đây, bởi vì chiến tranh Nga-Ukraina, rồi những vấn đề về tranh chấp, xung đột khắp thế giới cho thấy một trong những cái cốt lõi nhất để có thể giúp cho Việt Nam và quân đội Việt Nam giữ vững được năng lực bảo vệ chủ quyền, đó là tự chủ, hoặc theo một số người nói là “tự chủ chiến lược”.Việt Nam kỳ vọng gì ? Nếu thông qua những gì đã được công khai, rõ ràng triển lãm quốc phòng lần thứ 2 này có quy mô lớn hơn rất nhiều so với triển lãm quốc phòng lần thứ nhất. Nếu nhìn vào các quốc gia tham gia triển lãm quốc phòng, có thể thấy là hầu như tất cả các nền công nghiệp quốc phòng lớn đều có mặt, đặc biệt hơn là những nền công nghiệp quốc phòng có vẻ như đang đối đầu nhau, ví dụ Nga - Mỹ, Iran - Israel đều tham dự. Điều đó giúp cho Việt Nam mở rộng không gian tương tác với các nền công nghiệp quốc phòng khác nhau, qua đó học hỏi kinh nghiệm từ họ, đặc biệt là từ những nền công nghiệp quốc phòng có tính tự chủ cao, học hỏi thêm một số công nghệ quốc phòng mà từ trước tới nay Việt Nam chưa tiếp cận được, cũng như mở rộng mối quan hệ để có thể thúc đẩy hơn hợp tác về công nghiệp quốc phòng trong tương lai.Ngoài ra, cũng hoàn toàn có khả năng là trong triển lãm lần này, sẽ có một số hợp đồng quốc phòng giữa Việt Nam và các nước được công bố. Chưa biết cụ thể là như thế nào, nhưng khả năng đó cũng rất là cao.RFI : Theo thiếu tướng Lê Quang Tuyến, phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, trong triển lãm năm 2022, có 5 hợp đồng được ký kết và năm nay dự kiến sẽ có các hoạt động tương tự. Như anh đề cập, quân đội Việt Nam có khả năng ký một số hợp đồng. Vậy những hợp đồng này có thể sẽ liên quan đến những hạng mục nào ? Việt Nam trông đợi gì từ những hợp đồng này ?Nguyễn Thế Phương : Thực ra, ở thời điểm hiện tại, rất khó nêu ra cụ thể những hợp đồng đó là gì, nhưng chắc chắn nó sẽ liên quan tới quá trình hiện đại hóa quân đội, theo đó Việt Nam có thể mua thêm một số vũ khí, khí tài, ví dụ liên quan tới không quân và một số loại công nghệ và vũ khí, khí tài liên quan tới lục quân. Không hẳn là Việt Nam sẽ mua một vũ khí mới hoàn toàn, nguyên chiếc, mà có thể là những hợp đồng mang tính chuyển giao công nghệ, hoặc những cái tạm gọi là MOU - ý định thư hoặc nghị định thư - mà Việt Nam tham gia vào việc chế tạo một số bộ phận của các loại vũ khí nào đó. Đây cũng là những điểm cần nhắc tới, bởi vì, như đã nói, mục tiêu là cải thiện năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa và sẽ phải liên quan tới một số loại công nghệ lõi và công nghệ nguồn. Đọc thêm : Hoa Kỳ và Việt Nam thảo luận về việc mua bán máy bay vận tải quân sự C-130Thông qua triển lãm lần này và có thể là một số hoạt động hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác khác, vấn đề chuyển giao công nghệ lõi, công nghệ nguồn, hoặc là Việt Nam tiếp cận một phần nào đó thông qua chuỗi sản xuất vũ khí, sẽ giúp cải thiện năng lực chế tạo của Việt Nam, bên cạnh việc Việt Nam có thể mua một số loại vũ khí hiện đại. Nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào những quân chủng, binh chủng mà Việt Nam mong muốn tiến thẳng lên hiện đại, ở đây sẽ có hải quân và không quân. Ngoài ra sẽ có một số MOU có thể liên quan tới những lực lượng khác, ví dụ tác chiến điện tử, hoặc là tình báo tín hiệu hoặc những vấn đề tương tự.RFI : Triển lãm quốc phòng cũng là dịp để giới thiệu đến các đối tác quốc tế những vũ khí, trang thiết bị do Việt Nam chế tạo, được nhấn mạnh là “có những vượt trội”. Ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam hiện xuất khẩu những loại trang thiết bị quân sự nào ? Nguyễn Thế Phương : Theo một số thông tin gần đây, Việt Nam xuất khẩu một vài thứ khá đơn giản, ví dụ đạn dược, một số cấu phần của súng cho bộ binh và thuốc nổ. Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất của một nền công nghiệp quốc phòng mà muốn phát triển một cách bền vững, đó là phải tìm hiểu và mở rộng thị trường cho sản phẩm quốc phòng đó. Triển lãm quốc phòng lần này cũng là dịp để Việt Nam có thể tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu, cũng như tìm hiểu thông lệ trong việc buôn bán, trao đổi các mặt hàng vũ khí quốc phòng với các đối tác, tại vì danh sách các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu hiện nay không phải là lớn lắm. Đọc thêm : Việt Nam gần như không nhập khẩu vũ khí trong năm 2023Ngoài đạn dược, các cấu phần của súng, thuốc nổ, thì lác đác đâu đó còn là những mặt hàng có liên quan tới tàu. Nhưng tàu ở đây không phải là Việt Nam tự làm mà là liên doanh với một công ty nước ngoài, cụ thể ở đây là Damen (Hà Lan). Đã có thông tin Việt Nam xuất khẩu một số dạng tàu chở quân và tàu đổ bộ cho một số nước ở châu Mỹ Latinh và châu Phi chẳng hạn, nhưng sản phẩm đó là sản phẩm liên doanh. Điều này phần nào đó cũng cho thấy rằng việc hợp tác giữa một công ty Việt Nam và một công ty nước ngoài trong việc xây dựng và chế tạo các loại vũ khí, khí tài là một bước đi đúng đắn, sẽ giúp cho Việt Nam đẩy nhanh quá trình tiếp cận công nghệ và qua đó giúp cho các tổ hợp quốc phòng Việt Nam trưởng thành hơn.Sắp tới, tham vọng của Việt Nam là xuất khẩu một số loại vũ khí, khí tài công nghệ cao. Chẳng hạn trước đây Viettel cũng đã có hợp đồng tạm gọi là xuất khẩu một số “mô hình huấn luyện” cho các quốc gia như Indonesia, hoặc xuất khẩu các loại radar, máy bay không người lái. Triển lãm lần này cũng là dịp để họ tìm hiểu nhu cầu của thị trường về những sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam đã tự sản xuất được.RFI : Theo Reuters, Iran được cho là tham gia triển lãm quốc phòng ở Hà Nội trong khi nước này đang bị trừng phạt quốc tế. Tương tự, tập đoàn Nirinco Group của Trung Quốc, nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Liệu quyết định này có tác động đến hình ảnh của Việt Nam?Nguyễn Thế Phương : Thực ra, biện pháp trừng phạt đó sẽ liên quan tới việc mua sắm hơn là chỉ tham gia vào triển lãm. Họ đến Việt Nam mở gian hàng và họ có một số catalogue và trưng bày một số loại vũ khí hạng nhẹ. Điểm đó cũng không ảnh hưởng nhiều lắm tới “trừng phạt”. Trừng phạt là liên quan tới việc mua vũ khí của Iran, mua công nghệ của Iran, của Trung Quốc trong một số mảng cụ thể, chứ không phải là tất cả các mảng.Còn bảo là có ảnh hưởng tới hình ảnh hay không, thực ra cũng không ảnh hưởng mấy, bởi vì thông qua triển lãm này, Việt Nam còn gửi một thông điệp ngược lại. Chính sách đối ngoại của Việt Nam gần đây vẫn hay nói tới “ngoại giao cây tre”, cho nên việc mời cả Iran, Trung Quốc chứng tỏ rằng trong mảng an ninh quốc phòng nói riêng, Việt Nam chơi với tất cả các nước và đối xử với tất cả một quốc gia như nhau, bất kể là họ đang có đối đầu hay có căng thẳng. Đọc thêm : Các hãng công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tham gia hội chợ vũ khí Việt NamRiêng về trường hợp của Trung Quốc, từ khoảng một năm trở lại đây, giao lưu hợp tác quốc phòng giữa hai bên dày đặc hơn. Việc cho phép tập đoàn Norinco tham gia triển lãm quốc phòng cho thấy mối quan hệ an ninh quốc phòng song phương có một điểm đáng để nhắc tới, chứ không phải là buồn tẻ như từ trước tới nay. Còn việc Việt Nam có mua hay không hoặc mua như thế nào thì đó lại là chuyện khác, không bàn tới. Chưa kể rằng họ mang vũ khí tới triển lãm này không phải chỉ giới thiệu cho Việt Nam, mà còn cho các nước khác nữa, bởi vì Việt Nam mời đại diện của hầu như tất cả các nước Đông Nam Á và các nước mà có quan hệ với Việt Nam tới tham gia triển lãm. Các nước này có thể mua bán, họ sẽ đặt hợp đồng qua lại lẫn nhau, chứ không phải chỉ cho Việt Nam. Vấn đề này cũng nên hiểu rõ như vậy.RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.
    --------  

About Tạp chí Việt Nam

Những vấn đề, sự kiện đang được dư luận quan tâm ở Việt Nam
Podcast website
Social
v7.3.0 | © 2007-2025 radio.de GmbH
Generated: 1/21/2025 - 11:57:13 PM